16/8/09

Nhiều lao động Việt Nam tại Thuỵ Điển muốn về nước

Nhiều lao động Việt Nam sang hái dâu tại Thuỵ Điển cuối tuần qua đòi bỏ ngang hợp đồng để trở về Việt Nam, vì điều kiện làm việc tại đây không như thoả thuận ban đầu.

Báo Värmlands Folkblad của Thuỵ Điển hôm 14.8 cho biết, 120 lao động Việt Nam đã đình công phản đối điều kiện làm việc khắc nghiệt và không được trả lương tương xứng. Cuộc đình công kéo dài ba ngày, bắt đầu từ hôm 11.8. Cuộc đình công đã khiến cảnh sát Thuỵ Điển, các thông dịch viên, đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Thuỵ Điển phải đến thị trấn Branas ở Värmland để điều đình giữa người thuê mướn và người lao động. Báo Rabema cho biết đến ngày 13.8, ít nhất 9 lao động người Việt Nam đòi bỏ ngang hợp đồng về nước.

Những người lao động này cho biết họ phải chi 15.000 kronor (2.000 USD) đặt cọc cho hai tháng ở Thuỵ Điển, cộng với 9.000 kronor tiền ăn uống và thuê phòng trọ, trong khi họ được trả lương là 14 kronor/kg. Nếu làm việc và lãnh lương ở mức này, họ không thể kiếm đủ tiền chi trả cho số tiền mà họ đã cầm cố nhà cửa và vay mượn để đến Thuỵ Điển làm việc.

Chị Lê Thị Hồng, một lao động Việt Nam cho biết: “Những người tuyển dụng nói rằng chúng tôi có thể hái từ 60-120 kg dâu/ngày. Nhưng điều này hoàn toàn không thể, cố gắng lắm chúng tôi mới hái được 10-30 kg/ngày”.

Các lao động này do công ty tuyển dụng TTLC chịu trách nhiệm, đại diện công ty Nguyen Ngoc Lam nói rằng các lao động này “phải làm việc chăm chỉ” mới đạt được mức đưa ra. Trong khi tờ báo địa phương Värmlands Folkblad cho biết những người lao động Thái Lan cùng làm việc trong vùng lại không phàn nàn về chuyện trên.

Ông Peter Fuster, chủ thuê lao động tại Thuỵ Điển cho biết, những lao động muốn bỏ hợp đồng ra về sẽ được trả tiền lương mà họ đã làm việc thời gian qua, nhưng sẽ không được nhận lại số tiền ăn và thuê mướn nhà ở đã đóng trước đó.

Hiệp hội dâu của Thuỵ Điển cho rằng nguyên nhân của cuộc đình công này là do vụ dâu năm nay mất mùa, giá dâu sụt giảm do khủng hoảng kinh tế. Năm nay, có khoảng 6.000 lao động hái dâu người nước ngoài làm việc tại Thuỵ Điển.

25/6/09

Frontex: Cơ quan trục xuất hàng loạt Người Rơm Việt Nam

Đầu tháng Sáu vừa qua, khoảng 100 Người Rơm Việt Nam ở Đức và Ba Lan bị trục xuất cùng lúc về nước. Đây là diễn biến đặc biệt đáng chú ý vì đây là vụ trục xuất hàng loạt đầu tiên, dễ tạo tiền lệ cho một chiến dịch trục xuất rất nhiều người Việt về nước.

Người tổ chức và thực hiện chiến dịch này chính là Frontex, một cơ quan mới được thành lập vào tháng Mười năm 2005. Đó là một tổ chức có nhiệm vụ phòng vệ biên giới Liên hiệp châu Âu, đặt trụ sở ở Warszawa, Ba Lan, nhưng hoạt động khắp biên giới các nước, đặc biệt là các nước phía nam châu Âu như Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha, nơi đang có làn sóng người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi đổ vào. Về mặt tổ chức, họ liên kết với bộ nội vụ các nước EU, Interpol và A18 của bộ công an Việt Nam. Trang mạng của Frontex có địa chỉ Internet là www.frontex.europa.eu. Ngoài quyền lực hoạt động, Frontex cũng được tăng dần ngân sách, từ 6,2 triệu euro vào năm 2005 lên thành 19,2 triệu euro trong năm 2006 và tiếp theo là 22,2 triệu euro trong năm 2007 chưa kể 13 triệu tiền dự trữ. Hiện cơ quan này có thể sử dụng 20 máy bay, 30 trực thăng và khoảng 100 tàu chiến để giúp tuần tra biên giới, dưới quyền điều động của giám đốc điều hành Ilkka Laitinen.

9/6/09

Đức trục xuất hàng trăm người Việt


Đức và Ba Lan trục xuất hàng trăm người Việt nhập cư bất hợp pháp vào tối hôm thứ Hai, dẫn đến cuộc biểu tình của 200 người khác tại sân bay quốc tế Schoenefeld ở Berlin.

Đám đông định biểu tình ngồi ngay trong nhà ga, nhưng bị cảnh sát dẹp lui.

Hai người biểu tình bị cảnh sát bắt và tạm giữ trong một thời gian ngắn.

Trong số 109 người bị trục xuất, nhiều người đã sống ở châu Âu một thời gian dài.

An ninh được tăng cường tại sân bay để bảo vệ cho đợt trục xuất đầu tiên trong nhiều năm, vốn đang bị các tổ chức nhân quyền và quyền người tỵ nạn chỉ trích.

Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan biên giới của Liên hiệp châu Âu Frontex tài trợ cho việc trục xuất.

Các nhóm nhân quyền lo sợ rằng những người bị trục xuất có thể bị ngược đãi khi trở về nước.

Ông Lê Mạnh Hùng của Radio Berlin nói với BBC các tổ chức bảo vệ người tị nạn cũng sợ sẽ ''trục xuất nhầm'' nếu không xét kỹ hồ sơ trong những tình huống trục xuất hàng loạt.
Không giấy tờ

Đa số những người bị trục xuất đã sống ở Đức không có giấy tờ hợp lệ. Cũng có 26 người nhập cư trái phép tại Ba Lan.

Chuyến bay tối thứ Hai là kết quả hợp tác của cơ quan hữu trách Ba Lan và Đức.

Nhiều người Việt đã tới châu Âu qua đường dây của những kẻ buôn người, phải trả cho chúng nhiều tiền để đến được nơi họ hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng rồi lại bị bác đơn xin tỵ nạn.

Tuy nḥiên, dù có các câu chuyện thương xót, con số người tới Đức, Ba Lan, Czech và các nước châu Âu khác vẫn không giảm.

Ông Hùng nói số người Việt Nam sống bất hợp pháp ở Đức là một vấn đề gây đau đầu:

''Đây là vấn đề tương đối nhức nhối. Những người Việt Nam sang đây khi không có quyền cư trú hợp pháp, họ sống chui lủi và làm rất nhiều việc có thể nói là gây xáo trộn trong xã hội Đức.

''Mối lo ngại lớn nhất là các trẻ em, hoặc là trẻ em đi một mình sang đây hay là con em của những người tị nạn không có quyền cư trú hợp pháp ở đây.

''Các trẻ em dễ rơi vào các nhóm tiêu cực của xã hội thành ra các tổ chức giúp đỡ xã hội và các cơ quan an ninh rất lo lắng về điều này.''

Các nguồn tin báo chí nói khoảng 85.000 người Việt hiện sống hợp pháp tại Đức trong khi không có thống kê đáng tin cậy nào về con số người sống bất hợp pháp.

'Thất vọng'

Nhà báo Lê Mạnh Hùng nói trong khi có những tiếng nói phản đối mạnh mẽ từ những tổ chức giúp đỡ người tị nạn của người Đức và báo chí nước này, các tổ chức tương tự và báo chí của cộng đồng gần như im tiếng.

''Một điều mà chúng tôi thấy vừa ngạc nhiên và có phần nào thất vọng là các tổ chức hội đoàn người Việt Nam, thậm chí có một vài cá nhân mà tôi biết là làm công việc chuyên trách để giúp người Việt Nam đang xin tị nạn thì hầu như không có tiếng nói chính thức nào lên tiếng phản đối vấn đề này.

''Chúng tôi cũng đã cố tiếp cận các tòa soạn báo hay cơ quan thông tấn báo chí của Việt Nam nhưng hoàn toàn không có động tĩnh gì.

''Chúng tôi cũng có hỏi một nhân viên tòa đại sứ thì cũng chỉ được trả lời là 'cái điều này hoàn toàn nằm trong hiệp định giữa hai nhà nước' và anh ta cũng không trả lời gì hơn.''

Các hãng thông tấn nước ngoài nói hồi giữa thập niên 90 Việt Nam và Đức đã từng có thỏa thuận mà theo đó Việt Nam sẽ nhận về 40.000 người lao động Việt Nam và người nhập cư bất hợp pháp để đổi lại khoản trợ giúp 140 triệu đô la tiền viện trợ.

6/6/09

ZSP

Chúng tôi muốn bãi bỏ nhà nước và sự kiểm soát sản xuất bằng thị trường. Chúng tôi muốn công nhân và giới tiêu thụ dịch vụ nắm quyền kiểm soát một cách dân chủ tất cả các cơ sở làm việc của họ và trông thấy những người dân bình thường quản lý thế giới mà không cần đến tiền tệ và cơ quan quyền lực.