Như Vietinfo.eu đã đưa tin, Phong trào vì quyền lợi người lao động nhập cư (IPPMM) hôm 24.2.2011 đã gửi thông cáo báo chí cho hãng thông tấn Slovakia TASR, lưu ý công dân Slovakia về khả năng có thể tiếp tục bị lừa đảo bởi hai công ty trồng rừng Affumicata và Wood Servis Praha.
Nhật báo Lidové noviny trong bài viết mang nhan đề “Không công và hầu như cả không ăn. Người ngoại quốc bị bóc lột ở Séc như thế đấy“, ra ngày 26.2.2011 cho hay, là cảnh sát đã bắt tay vào điều tra trường hợp 51 công nhân Việt Nam, Rumani và Slovakia làm việc tại Séc cho công ty Affumicata. Nhiều công nhân tố cáo, rằng nhiều tháng trời lao động vất vả trong rừng của họ vẫn chưa được trả công đầy đủ. Rằng họ phải làm việc tới 12 giờ mỗi ngày, sáu người ở chung trong một gian phòng rộng 30 mét vuông. Đại diện Affumicata phủ nhận hoàn toàn những tố cáo này.
Theo luật sư Matouš Jíra đại diện pháp lí cho những người công nhân, thì hãng thuê người đã phạm tội lừa đảo, buôn người và tham gia các hoạt động tội phạm có tổ chức. “Tạm thời mới đang điều tra. Chắc là sẽ lâu. Có đông người bị hại và nhiều người trong số họ đã không còn ở Séc. Chúng tôi tính đến khả năng đề nghị hỗ trợ pháp lí quốc tế,“ bà Šárka Pokorná từ viện Công tố Praha 1 nói với phóng viên Lidové noviny.
Trong số những người bị hại có anh Marek Ponoc người Slovakia, làm việc từ năm 2009. “Tôi chỉ nhận được tiền lương cho hai tháng làm việc, ba tháng còn lại thì không. Tôi sẵn sàng quay lại làm chứng bất kỳ lúc nào,“ Ponoc khẳng định với phóng viên.
Theo anh công nhân Việt Nam tên Long, thì Affumicata hứa mức lương tháng 500 Mỹ kim. Rằng với sự giám sát chặt chẽ, công nhân phải làm việc trồng cây tới mười tiếng đồng hồ mỗi ngày, chỉ được nghỉ nửa giờ để ăn trưa. Cả Long cũng không nhận được đầy đủ tiền lương của mình.
Tiền lương được trả theo năng suất và nhiều khi kinh khủng đến mức, không kiếm nổi tiền để trang trải chi phí nhà trọ, David Mrkos, người từng công tác trong công ty Affumicata trong những năm 2009, 2010 cho biết và nói thêm, là những người làm việc tốt dĩ nhiên là đã được trả công.
Đây không phải là lần đầu tiên những vụ việc như vậy ở Séc bị phanh phui. Hồi tháng 11 năm ngoái, gần 200 công nhân Rumani từ Plzeň đã được chính quyền bố trí cho hồi hương, và rằng những người này cũng bị chủ bóc lột.
Rằng đây là vấn đề cấp bách, cũng đã được nói đến trong báo cáo về tình hình an ninh nội bộ của bộ Nội vụ. Trong đó viết, rằng khủng hoảng kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhân lực rẻ mạt, và hậu quả của nó là “tăng bất thường những vụ việc buôn người“.
Nguyen Nguyen